Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là dịp sum họp bên nhau của cả gia đình. Vào dịp này sẽ có rất nhiều phong tục ngày Tết truyền thống có ý nghĩa sâu sắc diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những phong tục truyền thống này nhé.

1. Các phong tục ngày Tết

1.1. Phiên chợ Tết

  • Vào những ngày Tết, không khí chờ bao giờ cũng đông hơn, vui hơn, nhộn nhịp hơn rất nhiều. Mọi người có thể đi mua sắm hoặc gặp gỡ nhau, hỏi han nhau về việc chuẩn bị Tết trong gia đình, tận hưởng bầu không khí háo hức đón Tết. Hình ảnh này dường như đã trở thành một nét đẹp trong phong tục cổ truyền ngày Tết.
  • Sắm đồ ngày Tết dường như đã thành thói quen của người Việt. Ai cũng đều mong muốn gia đình mình thật đầy đủ để đón khách năm mới. Phiên chợ Tết thường được tổ chức ở những nơi rộng rãi. Khi đi chợ này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cành đào, hoa, quất lộc bên cạnh những thực phẩm thường ngày.
Phiên chợ Tết
Phiên chợ Tết lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp, tràn đầy không khí ngày Tết. Ảnh Internet

1.2. Phong tục dọn dẹp nhà cửa ngày Tết

  • Tết đến Xuân về là khoảng thời gian để mọi người có thể sắp xếp lại mọi thứ trong nhà. Do vậy cần phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp các vật dụng ngăn nắp,… Ông bà ta có câu “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đủ để thấy việc “tề gia” là quan trọng như thế nào. Để năm mới được “vạn sự như ý” thì trước tiên nhà cửa phải tinh tươm, gọn gàng.
  • Ngoài ra phong tục này còn mang thông điệp khác là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới An Khang, Thịnh Vượng. Qua việc này từng thành viên có thể san sẻ công việc dọn dẹp cho nhau. Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chia sẻ những chuyện vui buồn và gắn kết tình yêu thương.
  • Tết đến, khi nhà cửa được trang hoàng ngăn nắp thì chúng ta sẽ tự tin mời bạn bè, bà con tới nhà chơi vào những ngày đầu Xuân. Không những vậy Thần Tài cũng sẽ mang đến may mắn và phúc lộc cho những ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ, tươm tất.
Dọn dẹp nhà cửa ngày Tết
Dọn dẹp nhà cửa ngày Tết trở thành phong tục quen thuộc của hầu hết gia đình Việt. Ảnh Internet

1.3. Câu đối ngày Tết

  • Câu đối Tết là phong tục phổ biến ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến nay nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong Tết cổ truyền dân tộc ta.
  • Câu đối thường được viết trên giấy đỏ vì đó là màu rực rỡ, mang đến cảm giác nồng cháy, đầm ấm. Ngoài ra đó cũng là sự kết hợp hài hòa cùng màu vàng của hoa mai, màu xanh của bánh chưng, bánh tét tạo nên bức tranh Tết rực rỡ cho ngôi nhà. Chính vì vậy nên mọi người thường gọi là câu đối đỏ.
  • Câu đối đỏ thường biểu trưng cho sự may mắn, cát tường, của niềm tin, chiến thắng. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự tiễn đưa năm cũ, tống khứ vận xấu cũ và bắt đầu đón chào năm mới với mọi sự tốt lành.
  • Với lối viết ngắn gọn, xúc tích nhưng thể hiện được quan điểm, khát vọng của người viết. Từng câu đối đỏ ngày Tết đều thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhạy, phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử của tác giả.
câu đối
Những câu đối đỏ ngày Tết biểu trưng cho sự may mắn, cát tường cho năm mới. Ảnh Internet

2. Phong tục lì xì ngày Tết

  • Đây là nét phong tục cổ truyền không thể thiếu vào những ngày Tết. Có thể gọi là lì xì hoặc mừng tuối. Người lớn sẽ lì xì cho trẻ em, thường sẽ được bỏ trong một bao giấy đỏ. Nó tượng trưng cho sự may mắn, chúc bé chóng lớn, khỏe mạnh. Con cháu thì sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ với lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
  • Ở Trung Quốc thì lì xì còn được gọi là “hồng bao”. Bên trong sẽ có 8 đồng tiền (Bát Tiên hóa thân) và được đặt dưới gối của trẻ em để xua đuổi ma quỷ đến quấy nhiễu. Ai chưa lập gia đình vẫn sẽ được nhận phong bao lì xì.
Phong tục lì xì ngày Tết
Phong tục lì xì ngày Tết tượng trưng cho sự may mắn, và những lời chúc an lành. Ảnh Internet

3. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

  • Bánh chưng là sự tích ngày Tết từ đời vua Hùng Vương thứ 18. Thường vào tầm 28 – 29 Tết, các gia đình Việt Nam sẽ tụ tập gói bánh chưng, bánh tét để làm quà biếu Tết hoặc để thưởng thức trong gia đình. Ăn bánh chưng vào ngày Tết còn có ý nghĩa để nhớ về công ơn của tổ tiên, cha mẹ.
  • Cách gói bánh chưng không phải ai cũng làm được, phải là người vô cùng khéo léo thì mới có thể gói bánh đẹp và chặt được. Ngày nay nhiều gia đình chọn đặt bánh gói sẵn chứ không tự gói nữa.
Phong tục gói bánh chưng ngày Tết
Gói bánh chưng ngày Tết thường diễn ra vào 28 – 29 Tết hằng năm. Ảnh Internet

4. Cây hoa ngày Tết

4.1. Cây nêu ngày Tết

  • Cây nêu là phong tục ngày Tết của nhiều địa phương. Câu nêu thường được làm từ cây tre cao từ 5 đến 6 mét. Ở ngọn cây sẽ được treo nhiều thứ như: Vàng mã, bùa trừ tà, hình cá chép giấy (cho ông Táo cưỡi về trời), cành xương rồng, bầu rượu bện từ rơm, vải điều màu đỏ, những chiếc khánh…
  • Tiếng kêu leng keng khi gió thổi nghe rất vui tai và tràn đầy không khí của ngày Tết. Nhiều nơi còn quan niệm rằng, những vật treo ở đầu cây nêu cộng với tiếng kêu leng keng báo hiệu cho ma quỷ biết không được phép quấy nhiễu.
    Ngoài ra nười ta còn đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới, xua đuổi ma quỷ và những điều không may mắn. Ở một số địa phương, người ta còn treo đèn lồng ở cây nêu vào buổi tối để dẫn đường cho tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
  • Theo phong phục cây nêu thường được dựng từ ngày 23 – ngày cúng ông Công, ông Táo. Vì họ quan niệm rằng từ ngày 23 đến đêm Giao thừa các Táo sẽ vắng mặt. Ma quỷ sẽ nhân cơ hội đó đến quấy nhiễu gia đình. Vì thế cây nêu được sử dụng để trừ tà và xua đuổi ma quỷ.
Cây nêu ngày Tết
Cây nêu ngày Tết để mừng năm mới, xua đuổi ma quỷ và những điều không may mắn. Ảnh Internet

4.2. Đào, quất, mai vàng

  • Ngày Tết ở khắp mọi miền đất nước không thể thiếu hình ảnh đào, quất, mai vàng. Ngoài đào, quất, mai vàng đặc trưng, còn có thêm các loại hoa trong nhà ngày Tết như: Lay ơn, cúc vạn thọ, huệ…
  • Cây đào: Theo quan niệm xưa, cây đào để trong nhà có thể trừ ma, xua đuổi những điều không may mắn và xấu xa ra khỏi gia đình. Màu đỏ của hoa tượng trưng cho màu của sự may mắn, như lời cầu nguyện và chúc phúc cho năm mới. Các gia đình sùng hoa đào để cắm bàn thờ gia tiên hoặc để trang trí nhà cửa.
  • Cây quất ngày Tết: Tượng trưng cho sự sinh nôi nảy nở, thịnh vượng với màu xanh của lá, màu trắng của hoa và màu vàng của quả.
  • Hoa mai vàng: Thường xuất hiện ở ngày Tết miền Trung, Nam. Theo quan niệm xưa, màu vàng của hoa Tết này biểu tượng cho sự cao thượng, cao sang, quyền quý, màu của vua chúa thời xưa. Vì vậy, khi hoa mai vàng trong nhà sẽ giúp gia chủ thu hút tài lộc cho năm mới. Ngoài ra theo Ngũ hành thì màu vàng thuộc hành Thổ. Nằm ở vị trí trung tâm nên tượng trưng cho sự phát triển.
Đào, quất, mai vàng
Đào, quất, mai vàng là những loại cây hoa không thể thiếu trong Tết cổ truyền Việt Nam. Ảnh Internet

5. Trang trí bàn thờ gia tiên

5.1. Bàn thờ gia tiên

  • Đối với gia đình Việt thì thường nhà nào cũng đều có bàn thờ gia tiên, ông bà. Tùy theo phong thủy của nhà và gia chủ mà cách bài trí và vị trí đặt bàn thờ sẽ khác nhau.
  • Thông thường trên bàn thờ sẽ có 2 cây đèn, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Phía sau sẽ là hai cành hoa cúc giấy, một số gia đình sử dụng “cành vàng lá ngọc” để cầu mong làm ăn buôn bán thuận lợi. Ngaofi ra còn có một hoặc nhiều bát hương, ở giữa có khúc trầm hương dạng khúc khuỷu, hay còn gọi là “trục vũ trụ”.
  • Tết đến, nhà nào cũng sẽ sẽ lau dọn bàn thờ sạch sẽ, bày mâm ngũ quả, dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Các món ngon truyền thống ngày Tết của người Việt như: Bánh chưng, giò, gà luộc, xôi, canh măng… kèm theo hoa tươi, rượu nếp.
  • Hai bên bàn thờ có thể có 2 cây mía với ý nghĩa để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên về với hạ giới. Đây là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống người Việt Nam.
Trang trí bàn thờ gia tiên
Tùy theo phong thủy của nhà và gia chủ mà cách bài trí và vị trí đặt bàn thờ sẽ khác nhau. Ảnh Internet

5.2. Mâm ngũ quả ngày Tết

Đây là điều không thể thiếu ở bàn thờ tổ tiên vào ngày Tết. Với ý nghĩa cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý. Thông thường mâm ngũ quả sẽ có 5 loại quả khác nhau. Tùy từng phong tục vùng miền mà sẽ có những đặc điểm khác nhau. Ngày nay thì bạn có thể trang trí đa dạng mâm ngũ quả, nhưng dù nhiều loại trái cây thì cũng sẽ chỉ gọi là mâm ngũ quả.

  • Miền Bắc: Theo thuyết ngũ hành thì kim, mộc, thủy, hỏa, thổ sẽ phối theo 5 màu tương ứng: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng. Vì vậy 5 loại cây được sử dụng ở miền Bắc là: Chuối, bưởi, đào, quýt, hồng.
  • Miền Trung: Miền Trung ít trái cây nên người dân cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả bày trong ngày Tết. Thường dùng thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu,…
  • Miền Nam: Người dân thường chọn 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài để bày mâm ngũ quả. Với mong muốn “Cầu sung vừa đủ sài”. Ngoài ra trên bàn thờ sẽ xuất hiện thêm cặp dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng.
Mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết với ý nghĩa cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc. Ảnh Internet

6. Phong tục thờ cúng ngày Tết

  • Cúng ông Công, ông Táo

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm sẽ được xem là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Vì vậy vậy, khi đến ngày này các gia đình Việt sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

  • Cúng tất niên

Thường sẽ vào chiều 30 Tết. Các gia đình sẽ làm mâm cơm thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đồng thời cũng có ý nghĩa là kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.

  • Cúng giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới. Là thời khắc quan trọng khi đất trời giao hòa. Thực hiện nghi thức này để trừ tịch với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Thường sẽ được thực hiện ngoài trời.

  • Lễ chùa đầu năm

Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên.

Phong tục thờ cúng ngày Tết
Phong tục thờ cúng ngày Tết sẽ có ở hầu hết các gia đình Việt khi Xuân về. Ảnh Internet

7. Hái lộc đầu năm và chúc Tết

  • Hái lộc đầu năm là nét đẹp văn hóa vào năm mới của người dân Việt. Thường thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết. Để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.
  • Trong khoảng khắc đầu năm còn có phong tục xông đất. Người đầu tiên bước vào nhà cùng với lời chúc mừng năm mới là người xông đất nhà bạn. Việc lựa chọn người xông đất rất quan trọng cần phải là người hợp tuổi, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ để xông đất nhà mình.
  • Phong tục chúc Tết là chúc Tết họ hàng, ông bà, cha mẹ, bạn bè,… Thường thì con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi lại để lấy may kèm theo những lời chúc năm mới.
  • Với văn hóa truyền thống rằng “Mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy”. Cha tượng trưng cho bên nội, mẹ là bên ngoại, còn thầy đại diện cho những người cho ta hiểu biết.
Hái lộc đầu năm và chúc Tết
Hái lộc đầu năm và chúc Tết là hai phong tục truyền thống được lưu giữ bao đời qua. Ảnh Internet

Phong tục ngày Tết là nét văn hóa đẹp được đúc rút từ hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta. Có lẽ vào thời điểm này, một số đã mất đi, một số đang dần mai một nên rất cần được gìn giữ, phát huy, đặc biệt là bởi các bạn trẻ. Một cái Tết trọn vẹn chỉ đầy đủ khi bạn quý trọng những giá trị văn hóa truyền thống của nước ta mà thôi.

Chi Lê tổng hợp